Kinh thánh Shem Tov – cuốn Kinh thánh tiếng Do Thái với trang trí công phu, được thực hiện bởi một giáo sĩ Do Thái nổi tiếng ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 14, với những trang mạ vàng và đầy màu sắc -vừa được bán với giá 6,9 triệu USD tại New York.

Thú vị hơn, những chủ sở hữu mới của Kinh thánh Shem Tov có kế hoạch sẽ trưng bày công khai nó.

Vô cùng độc đáo

Kinh thánh Shem Tov – một trong những bản thảo tiếng Do Thái thời trung cổ quan trọng nhất từng được tạo ra – được hoàn thành bởi học giả lỗi lạc Rabbi Shem Tov Ibn Gaon tại thành phố Soria ở phía Bắc Tây Ban Nha vào năm 1312.

Cuốn Kinh thánh này đã trải qua số phận đầy phiêu bạt. Một cách kỳ diệu, nó đã tồn tại được qua vô số cuộc chiến tranh suốt 7 thế kỷ, trong hành trình đi qua Jerusalem, Baghdad, Tripoli, London và Geneva.

Giải mã "Shem Tov" - Cuốn Kinh thánh huyền thoại đi qua 7 thế kỷ - Ảnh 1.

Mới đây, cuốn Kinh thánh được trang trí công phu này- được miêu tả là “một tác phẩm học thuật đầy huyền bí, là nhân chứng quý giá cho truyền thống nghệ thuật sách của người Do Thái Sephardic thời trung cổ” – đã được bán với giá 6,9 triệu USD (gần chạm mức cao nhất trong ước tính từ 5 đến 7 triệu USD) tại nhà đấu giá Sotheby’s ở New York.

Thật sự, những năm qua rất hiếm khi có Kinh thánh tiếng Do Thái kèmminh họa mang ra đấu giá, bởi có rất ít sách thể loại này nằm trong tay tư nhân.

Sharon Liberman Mintz, chuyên gia quốc tế cao cấp về sách và bản thảo Do Thái của Sotheby’s, cho biết sự kết hợp giữa học thuật sâu sắc, chữ viết huyền bí và ảnh hưởng nghệ thuật đa văn hóa của cuốn Kinh thánh dày 800 trang này khiến nó trở nên vô cùng độc đáo.

Kinh thánh Shem Tov không chỉ thường xuyên trích dẫn sách cổ Hilleli – một cuốn sách mang đậm tính huyền thoại bằng tiếng Do Thái cổ đại và đã bị thất lạc – mà còn chứa khoảng 2.000 chữ cái “bất thường” được đánh dấu cẩn thận. Đó là những chữ cái nhỏ hơn hoặc lớn hơn thông lệ, thấm nhuần ý nghĩa bí mật đặc biệt, theo truyền thống của Kabbalah (chủ nghĩa thần bí Do Thái).

Điều này “thể hiện rõ trong việc đưa vào một văn bản thời trung cổ có tên là Sefer Tagei, ở đó nêu rõ cách các học giả Do Thái viết những chữ thánh trong Kinh thánh bằng tiếng Do Thái” – theo bà Mintz.

Giải mã "Shem Tov" - Cuốn Kinh thánh huyền thoại đi qua 7 thế kỷ - Ảnh 2.

Theo nhà đấu giá, Kinh thánh Shem Tov còn được tôn vinh là “bản truyền tải chính xác nhất bằng văn bản của Kinh thánh tiếng Do Thái đang được lưu hành”. Phần mỹ thuật của cuốn Kinh thánh cũng vô cùng đặc sắc khi kết hợp 3 phong cách truyền thống nghệ thuật và kiến trúc khác nhau.

Ngoài ra, sách còn có các mái vòm gothic lấy cảm hứng từ kiến trúc của Bắc Âu. “Nhưng nếu lật thêm một vài trang, ta sẽ thấy một mái vòm kiểu Hồi giáo… Như vậy, các đặc điểm kiến trúc phản ánh nghệ thuật mudéjar thời bấy giờ, đồng thời sử dụng vốn từ vựng nghệ thuật từ gothic của Pháp”, theo bà Mintz.

Có thể nói, Kinh thánh Shem Tov là hiện thân cho những thành tựu cao nhất của lịch sử bản thảo tiếng Do Thái.

Ý nghĩa đặc biệt

Nhiều người cho rằng Kinh thánh Shem Tov phục vụ cả những mục đích thiết thực lẫn thẩm mỹ.

Một tài liệu tham khảo về Kinh thánh này từ cuối những năm 1860 đề cập rằng chủ sở hữu đã rất miễn cưỡng khi phải rời xa nó, “bởi vì, ngoài việc là một hiện vật thực sự quý giá, nó còn là một lá bùa hộ mệnh đã được thử nghiệm và chứng minh: Một người phụ nữ đang khó sinh sẽ được cứu khi cuốn sách đến tay cô ấy”.

Ban đầu được tạo ra như một cuốn Kinh thánh cá nhân cho Rabbi Shem Tov, tung tích của Kinh thánh Shem Tov không được biết đến trong nhiều thế kỷ cho đến khi được ghi nhận vào thế kỷ 19, khi đang thuộc về gia đình Seror nổi tiếng ở Tripoli.

Giải mã "Shem Tov" - Cuốn Kinh thánh huyền thoại đi qua 7 thế kỷ - Ảnh 4.

David Solomon Sassoon, nhà sưu tập bản thảo tiếng Do Thái hàng đầu thế giới, đã mua nó từ gia đình Seror vào năm 1909 và coi nó là một trong những cuốn sách quan trọng nhất trong bộ sưu tập nổi tiếng của mình.

Ngay trước khi qua đời vào mùa Hè năm 1942, Sassoon đã yêu cầu con trai mình đến và nói với các cuộn giấy Torah và Kinh thánh Shem Tov của ông, rằng: “Chúng tôi sẽ trở về với các bạn, và các bạn sẽ trở về với chúng tôi; chúng tôi sẽ không quên các bạn, cả ở thế giới này lẫn thế giới bên kia”.

Sau khi Sassoon qua đời, Kinh thánh Shem Tov lần đầu xuất hiện tại một cuộc đấu giá vào năm 1984 và được bán với giá kỷ lục cho một bản thảo tiếng Do Thái thời bấy giờ là 825.000 USD. Nó được triển lãm trên khắp thế giới trước khi được bán cho một nhà sưu tập bản thảo Do Thái nổi tiếng khác, Jacqui Safra, với số tiền không được công bố.

Giờ đây, sau một thời gian dài nằm trong tay những tư nhân, Kinh thánh Shem Tov sẽ được chia sẻ cho công chúng chiêm ngưỡng.

“Cuốn sách đã được mua bởi những nhà tư nhân hiểu được tầm quan trọng tối cao của hiện vật này và mong muốn công khai nó cho công chúng” – bà Mintz cho biết – “Tôi nghĩ bất kỳ ai mua một cuốn sách có quy mô như thế này đều hiểu rằng nó cần được đưa tới cho nhiều đối tượng nhất có thể, thay vì được cất kín trong một thư viện nhỏ nào đó”.

Giải mã "Shem Tov" - Cuốn Kinh thánh huyền thoại đi qua 7 thế kỷ - Ảnh 5.

Mặc dù cuốn Kinh thánh rất hiếm, có ý nghĩa huyền bí và có giá trị lịch sử, nghệ thuật và tài chính to lớn, nhưng bà Mintz lại ấn tượng nhất về những chuyến đi và chính sự tồn tại của nó.

Sau khi hoàn thành kỳ tích học thuật đáng kinh ngạc của mình vào năm 1312, Rabbi Shem Tov cảm thấy rằng cần đưa cuốn Kinh thánh đến Đất Thánh, dù “đó không phải là một chuyến đi dễ dàng vào thời điểm đó” như lời bà Mintz.

Rabbi Shem Tov qua đời vào khoảng năm 1330 tại thành phố Safed ở Galilee, nhưng hành trình của cuốn Kinh thánh mới bắt đầu.

“Tôi nghĩ hành trình này rất thú vị vì cuốn sách ra khỏi Tây Ban Nha vào năm 1315. Do đó, nó thoát khỏi các cuộc bạo loạn và thảm sát năm 1391 và sau đó là cuộc trục xuất người Do Thái khỏi Tây Ban Nha vào năm 1492, khi nhiều cuốn sách bị thất lạc” – bà Mintz nói. Những tập sách bị thất lạc đó bao gồm cả sách cổ Hilleli.

“Sau đó, cuốn sách đến Baghdad, và chúng ta biết rằng cộng đồng Do Thái ở Baghdad đã chứng kiến đủ loại biến động. Bằng cách nào đó, nó đã đến được Tripoli. Cuốn sách ở London trong Thế chiến II – hoặc có lẽ là ở Letchworth – và nó đã sống sót sau chiến tranh. Quả là một hành trình sống sót thật kỳ diệu” – bà Mintz cảm thán.

Những năm gần đây, thị trường kinh sách cổ cực kỳ sôi động và không có dấu hiệu giảm nhiệt.

Năm ngoái, Sotheby’s đã lập kỷ lục về bản thảo đắt nhất được bán đấu giá khi thu về 38,1 triệu USD cho sách cổ chép tay Sassoon – một cuốn Kinh thánh tiếng Do Thái 1.100 năm tuổi, được coi là một trong những bản thảo Kinh thánh lâu đời nhất còn sót lại. Bản thảo này đã được trưng bày tại Bảo tàng Người Do tháiở Israel như một phần của chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới trước khi mang ra đấu giá.

Gần hơn, vào giữa năm nay, sách cổ chép tay Scosby-Schoyen – cuốn sách cổ nhất thế giới nằm trong tay nhà sưu tầm tư nhân, và là sách phụng vụ Kito giáo cổ nhất còn tồn tại- đã được nhà đấu giá Christie’s ở London bán với giá 3,9 triệu USD.

Chủ đề:
Thẻ:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *